tin tức bệnh viện

ÁP XE QUANH AMIDAN - TRIỆU CHỨNG ĐIỂN HÌNH VÀ HƯỚNG ĐIỀU TRỊ
[ Cập nhật vào ngày (10/11/2020) ]


Ngày 25/8/2020 Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân nam H.V.M 54 tuổi, sống tại quận Ninh Kiều - Cần Thơ đến khám với lý do sốt, đau họng.

Thăm khám lâm sàng nhận thấy bệnh nhân có đau họng nhiều, ăn uống kém, sốt cao 39 độ , tăng tiết nước bọt, hơi thở hôi, há miệng khó và nói chuyện "giọng ngậm hạt thị". 

Khám họng thấy có tình trạng viêm tấy, hóa mủ tổ chức liên kết lỏng lẻo nằm quanh amiđan bên trái.

Bệnh nhân được chẩn đoán áp xe quanh amidan, được nhập viện cấp cứu và điều trị kháng sinh, kháng viêm, hạ sốt và súc họng với dung dịch diệt khuẩn.

Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân hết sốt, giảm đau họng, nhưng vẫn còn ăn uống khó, khối sưng phồng quanh amidan giảm ít nên được chỉ định rạch áp xe. Sau khi rạch tháo mủ khối áp xe quanh amidan ra nhiều mủ đục màu xanh mùi hôi, khối phồng lập tức xẹp xuống, bệnh nhân giảm đau họng nhiều, ăn uống tốt hơn và được xuất viện sau 24h. 

 

Việc phát hiện bệnh nhân áp xe quanh amiđan có ý nghĩa rất quan trọng, bệnh nhân được điều trị kháng sinh ngay lập tức, kháng viêm liều cao đường uống hoặc tiêm đồng thời hạ sốt, giảm đau tốt cho bệnh nhân trong khoảng một tuần.

Áp xe quanh amiđan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm tấy lan rộng ra thành sau họng, áp xe lan vào trung thất, phổi, nhiễm khuẩn huyết... thậm chí tử vong.

 

Phòng ngừa: 

Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Không nên tự ý mua thuốc về sử dụng hoặc sử dụng không đúng thuốc, hoặc các mẹo dân gian. 

Trong thời điểm giao mùa thay đổi thời tiết, mọi người cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng, ăn uống hợp vệ sinh, uống nhiều nước và  chú ý giữ ấm mũi họng. 

 




Bs.CKI. Trần Minh Hạnh




Thông báo


thư viện VIDEO

Thư viện ảnh

SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI